Đảng luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Lịch sử ra đời Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, thấm đẫm trong trái tim, tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Sức mạnh đại đoàn kết được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, thiên tai, dịch bệnh.

Một tiết mục múa hát trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ chỗ chỉ nhấn mạnh vấn đề đoàn kết giai cấp đến chỗ thấy được tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Trải qua các giai đoạn, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 làm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được thể chế hóa, được quy định tại Chương I, Điều 11 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015: “Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Từ đó đến nay, hằng năm việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư đã nhân lên tinh thần cộng đồng trách nhiệm ở mỗi khu dân cư, là dịp để tập hợp, phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các phong trào, các cuộc vận động được tổ chức sôi nổi, rộng khắp tại các khu dân cư, đã giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự đã trở thành ngày hội toàn dân, là hình thức tập hợp và biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tập hợp, đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất. Với nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng hiệu quả, thúc đẩy thực hành dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cũng thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, là dịp để mỗi người dân thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bài học vô giá của sức mạnh đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, từ đó góp phần thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng, góp phần nhỏ bé để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Trải qua các giai đoạn, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc: Hội Phản đế Đồng minh (11/1930 - 3/1935), Hội Phản đế Liên minh (3/1935 - 10/1936), Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương (10/1936 - 3/1938), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938 - 11/1940), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (11/1940 - 5/1941), Mặt trận Việt Minh (5/1941 - 3/1951), Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (5/1946 - 3/1951), Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt) (3/1951 - 9/1955), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9/1955 - 2/1977), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (12/1960 - 2/1977), Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (4/1968 - 2/1977). Từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày Hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc" Liên khu dân cư 1,2,3 và 4 phường Đông Hải

Tối 5/11, tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp, Ban công tác Mặt trận khu phố 1,2,3 và 4 phường Đông Hải tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" năm 2024. Đến dự, cấp tỉnh có đồng chí Đồng chí Lê Văn Bình - Ủy viên ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Đồng chí Lê Huyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Phạm Thị Bích Hà - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Cấp thành phố có Đồng chí Bùi Văn Phú, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố; Đồng chí Trần Thanh Minh, Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố; Đồng chí Trần Thị Thủy, Thành ủy viên, Trưởng Ban Dân vận thành uỷ - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố. Ngoài ra, tham dự Ngày hội còn có lãnh đạo các Ban đảng, lãnh đạo các ngành, các Hội đoàn thể thành phố; phòng văn hoá thông tin thành phố; các đồng chí trong Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN 12 phường, xã; các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐNĐ, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, ngành đoàn thể phường Đông Hải, các vị chức sắc tôn giáo, Chi bộ, trưởng khu phố, Ban công tác Mặt trận, tổ chức, cá nhân, bà con Nhân dân 04 khu phố 1,2, 3 và 4 phường Đông Hải. Đây là địa phương được UBMTTQVN tỉnh chọn làm điểm.

Tại ngày hội, các đại biểu đã ôn lại lịch sử 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam và kết quả 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tình hình đời sống nhân dân của khu phố 1,2,3,4; phương hướng nhiệm vụ nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động năm 2025. Thời gian qua, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cộng đồng dân cư khu phố 1,2,3 và 4 có nhiều cách làm sáng tạo; nhiều mô hình hiệu quả như: Mô hình "sáng-xanh- sạch -đẹp-an toàn-văn minh", Camera an ninh gắn với bảo vệ môi trường, đèn chiếu sáng năng lượng, Mô hình Trụ điện nở hoa, Mô hình quét mã QR các khu di tích lịch sử cấp tỉnh...Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều điển hình như: tập thể Ban di tích Đình Tây Giang, Ban Công tác Mặt trận khu phố 4... Thông qua các chương trình, chính sách giảm nghèo, Ban Công tác Mặt trận khu phố 1,2,3 và 4 đã giải quyết hỗ trợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, từ NHCS, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã giúp cho trên hàng chục hộ được vay các nguồn vốn để phát triển kinh tế,  thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Số hộ cận nghèo trong năm giảm 33 hộ hiện còn 75 hộ, chiếm 4,1%.

Phát biểu tại Ngày hội, đồng chí Lê Huyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch  UBND tỉnh đề nghị từng cán bộ, đảng viên và nhân dân 4 khu phố nói chung và cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Đông Hải chúng ta hãy phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng, trách nhiệm cùng nhau chung sức, chung lòng và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Ban công tác Mặt trận cần phối hợp với Ban quản lý khu phố và chính quyền địa phương khơi dậy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái và có những mô hình cụ thể, việc làm thiết thực trong giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, để góp phần xây dựng khu dân cư phát triển, cùng tiến bộ, thực hiện tốt chức năng giám sát của nhân dân ở tại cộng đồng khu dân cư. Xây dựng đô thị văn minh là nơi thật sự vì cuộc sống, hạnh phúc của người dân; vì gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc; mỗi người dân phải có ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tham gia hưởng ứng các mô hình tổ nhân dân tự quản, xây dựng gia đình, dòng tộc tự quản về an ninh trật tự để đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm an ninh trật tự an toàn giao thông; quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, cảnh quang sáng, xanh, sạch, đẹp. Xây dựng gia đình hoà thuận bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc…

Nhân dịp này, Đồng chí Lê Văn Bình - Ủy viên ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ủy viên Ban Thường vu tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đồng chí Lê Huyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch  UBND tỉnh đã trao 10 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn phường.

Ngoài ra, tại buổi lễ Đồng chí Bùi Văn  Phú, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố tặng quà cho 04 khu phố 1,2, 3 và 4 phường Đông Hải và lãnh đạo thành phố cũng trao 10 phần quà cho học sinh thuộc hộ nghèo, Hộ cận nghèo trên địa bàn phường.