Hoàng Việt Hùng
· KẺ NỘI THÙ TRONG HÀNG NGŨ QUỐC GIA HẢI NGOẠI
TS. Nguyễn Việt HùngTrưởng Khoa Trường Quốc tế - ĐHQG Hà Nội
Năm nay 93 năm tuổi đời và 75 năm tuổi Đảng, song ông Đào Sơn, tổ 4, phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên), vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Nhắc nhớ về người anh trai của mình, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đào Phúc Lộc, bí danh Hoàng Minh Đạo- người đặt nền móng xây dựng và đưa ngành tình báo Quân sự nước ta ngày càng phát triển trong hai cuộc kháng chiến - trong lòng ông Sơn trào dâng xúc cảm nghẹn ngào.
Trong căn nhà giản dị, ông Đào Sơn dành riêng một phòng thờ anh trai và lưu giữ những bức ảnh của gia đình trong đó có anh trai mình. Từ những bức ảnh chụp chung của gia đình, các anh chị, vợ chồng anh trai hay Bằng Tổ quốc ghi công, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Huy hiệu Hồ Chí Minh của anh trai, ông Sơn đều đóng khung treo cẩn thận.
Nhắc tới người anh đã hy sinh, ông Sơn rưng rưng nói: Mẹ tôi mất sớm, khi tôi vừa được một tháng tuổi. Tôi khi ấy được anh Lộc và hai chị gái cưu mang, bế đi khắp nơi để xin sữa. Khi dần lớn lên, tôi lờ mờ biết anh Lộc và chị gái hoạt động “đoàn thể”, có thời điểm chăm sóc bác Tô Hiệu - cán bộ cấp cao của Đảng bị ốm nặng. Căn nhà trọ của anh chị tôi ở đã thành điểm liên lạc tạm thời của cơ quan bí mật Khu ủy năm 1936-1939 tại Hải Phòng. Tôi hồi còn là cậu thiếu niên cũng một số lần được anh giao nhiệm vụ giao liên.
Giọng ông Sơn đều đều đưa tôi cùng về quãng thời gian bảy, tám thập kỷ trước, khi đó ông còn là cậu thiếu niên hiếu động: Anh chị tôi đi hoạt động cách mạng nên thời gian tôi được gặp rất hiếm. Sau này tôi được kể lại, năm 1940, anh Lộc bị địch bắt tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì. Rồi anh đã dùng mưu trí trốn thoát, sang Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức của Đảng và được đồng chí Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Móng Cái (Quảng Ninh) và thành lập đường dây liên lạc đưa cán bộ của Đảng ra nước ngoài hoạt động. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, anh tôi nhận lệnh về Hà Nội. Năm ấy, tôi 16 tuổi, cùng gia đình người anh họ chuyển về Thủ đô sinh sống. Tôi lúc ấy đang đi học, sự kiện Tổng khởi nghĩa diễn ra, tôi và một số bạn đã bỏ học, xung phong đi bộ đội. Thật vui mừng đúng ngày 19/8/1945, gặp lại anh Lộc, tôi đã đề đạt nguyện vọng muốn tham gia cách mạng và được anh ủng hộ. Sau đó tôi được nhận vào làm liên lạc ở đơn vị anh, sau này là Phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Làm việc ở đây, cứ mỗi lần gặp các chị ở tỉnh khác về họp, biết tôi là em trai của anh, mọi người đều bảo: “Chú mày có một ông anh tuyệt vời, vừa thông minh, có tài lại rất trách nhiệm”. Điều ấy khiến tôi vô cùng tự hào.
Ông Sơn kể đến đây chợt dừng lời, ngắm nhìn ảnh anh trai và mỉm cười hạnh phúc. Không lâu sau, đúng Ngày toàn quốc kháng chiến, cuối năm 1946, ông Sơn được cấp trên điều sang làm công tác Quân báo của Trung đoàn 48. Và từ năm 1947, ông và anh trai mỗi người một đơn vị. Ông Lộc sau đó nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Quân báo Nam Bộ từ năm 1948 ở Việt Bắc. Còn ông Sơn theo đơn vị ở lại chiến đấu, rồi về Hà Đông, Ninh Bình xây dựng đơn vị lớn mạnh.
Năm 1948, khi đi công tác nắm tình hình địch ở vùng địch hậu (Duy Tiên, Hà Nam), trên đường về đơn vị báo cáo, dừng chân nghỉ tại chợ Sêu Đặng Hà Đông, ông Sơn đã rất mừng vui khi gặp lại anh trai. Biết tin chị dâu đã mất do bệnh sốt rét ác tính ở chiến khu Việt Bắc, cháu gái hơn một tuổi anh gửi về Hà Nội, ông buồn khôn xiết. Ông không quên lời dặn dò của anh: Sau này khi đất nước hòa bình, em còn sống, tìm cháu chăm sóc hộ anh, còn anh sẽ đi công tác xa, không biết khi nào gặp lại. Đó là lần gặp anh cuối cùng của ông Sơn.
Lịch sử dân tộc còn ghi lại sự kiện đêm Noel định mệnh năm 1969, ông Đào Phúc Lộc và 17 đồng đội đang trên đường về họp ở Trung ương Cục miền Nam đã bị địch tập kích và hy sinh trên sông Vàm Cỏ Đông. Vậy nhưng sự hy sinh đó bị rơi vào quên lãng, có giai đoạn, nhiều người nói ông đã phản bội Tổ quốc, khiến ông Sơn và các con của anh trai vô cùng đau xót.
Gần 30 năm sau ngày anh hy sinh, với sự nỗ lực của gia đình và đồng đội trong việc tìm lại sự thật, ngày 8/4/1998, Lễ truy điệu tiễn đưa Liệt sĩ Đào Phúc Lộc về nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra trọng thể. Cùng năm đó, Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông diễn ra tại Hà Nội. Ông Đào Phúc Lộc cũng là một trong số ít những người được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh
Kể đến đây, ông Sơn cầm di ảnh của anh trai, lấy vạt áo lau đi lau lại, nhìn vào mắt anh xúc động nói: “Tôi đều tham dự các sự kiện này, luôn tự hào vì có người anh trai tài năng và nhân cách cao đẹp “Sống anh hùng và chết vinh quang”.
Nhà tình báo Hoàng Minh Đạo đi theo cách mạng năm 13 tuổi, được đồng chí Tô Hiệu- người đảng viên xuất sắc của Đảng Cộng sản Đông Dương, kết nạp vào Đảng khi mới 16 tuổi (năm 1939), 46 tuổi, ông anh dũng hy sinh.
Hơn 20 năm lăn lộn trên chiến trường Nam bộ, ông trở thành nhà tình báo huyền thoại, lập được nhiều công lớn, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Quá trình hoạt động, ông đã giữ nhiều trọng trách: Trưởng Phòng Tình báo Quân ủy Hội, Bộ Tổng Tham mưu; Trưởng Ban Quân báo và Tình báo của Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, Chính ủy Lực lượng Biệt động Sài Gòn…
Sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh
Ông Đào Sơn, sinh năm 1929, quê ở phường Trần Phú, TP. Móng Cái (Quảng Ninh). Tiếp nối truyền thống của gia đình, từ năm 1945, ông đã tham gia hoạt động, là nhân viên tình báo quân y của Bộ Quốc phòng và sớm được kết nạp Đảng năm 1947. Quá trình công tác trải qua nhiều cương vị khác nhau tại Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 cho đến trước lúc nghỉ hưu là Trưởng Ban Quân sự Nhà máy Gang thép, kiêm Bí thư Đảng ủy khối bảo vệ tự vệ nhà máy (30 năm ông gắn bó với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên), ông Sơn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông bảo: Tôi vẫn nhớ mãi lời anh trai dặn dò khi anh còn sống: “Em cố gắng làm tròn nhiệm vụ được giao và nhớ một điều, đừng bao giờ làm ô danh truyền thống yêu nước của họ Đào ta”. Lời nhắn nhủ đó của anh đã theo tôi suốt cuộc đời, nhắc nhở tôi phải là một người đảng viên gương mẫu, trách nhiệm trong công việc và cuộc sống để luôn xứng đáng với anh.
Nói về ông Đào Sơn, ông Trần Xuân Hiệu, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 4, Đảng bộ phường Hương Sơn, bày tỏ sự yêu mến, kính trọng: Sau khi nghỉ hưu, ông Sơn trở về địa phương, tham gia sinh hoạt Đảng đều đặn. Từ đó đến nay, dù tuổi cao song ông vẫn không bỏ bất cứ buổi sinh hoạt chi bộ nào, là chỗ dựa tinh thần cho cấp ủy, Chi bộ chúng tôi. Ông tham gia nhiều ý kiến trên các lĩnh vực cho chi bộ, là tấm gương tiêu biểu ở khu dân cư trong công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình. Từ 2019 đến nay, ông đều được đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Sơn bộc bạch: Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ: “Đồng chí Hoàng Minh Đạo đã được Quân ủy Trung ương cử đi làm Trưởng Ban Quân báo Nam Bộ từ năm 1948. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhớ tới anh Đạo, tôi mong rằng con và cháu của anh noi gương của ông, của cha, học tập tốt, lao động tốt, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, đáp ứng lòng mong mỏi của anh Đạo”. Giờ tôi đã là người xưa nay hiếm, bao năm qua, tôi vẫn luôn nhớ lời răn dạy của anh. Đứng trước vong linh anh, tôi luôn tự hào vì mình đã giữ trọn vẹn lời hứa là một người đảng viên kiên trung, mẫu mực như anh tin tưởng.